08/12/2022
VA là tổ chức miễn dịch, có tác dụng ngăn cản vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp phát triển. Viêm VA cấp và mạn tính thường gặp ở trẻ sơ sinh. Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì? Làm cách nào để phòng ngừa bệnh? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây của Dược Sanfo:
VA (Végétations Adénoides), dày khoảng 4-5mm, thuộc vòng Waldeyer bao quanh đường thở. Tổ chức VA bao gồm nhiều tế bào bạch cầu, có tác dụng nhận diện vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp. Sau đó tạo ra kháng thể để tiêu diệt chúng.
VA được coi là tổ chức miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể bé khỏi các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm khuẩn đường hô hấp. Thông thường, VA không gây cản trở đường thở của trẻ. Tuy nhiên khi bé tiếp xúc với môi trường ô nhiễm trong thời gian dài, VA hoạt động quá mức để miễn dịch. Từ đó gây ra tình trạng viêm VA.
Viêm VA được chia làm 2 loại: cấp và mãn tính với các biểu hiện khác nhau.
Viêm VA cấp tính thường gặp ở nhóm trẻ em từ 6 tháng tuổi - 4 tuổi, không gây biến chứng và có triệu chứng đặc trưng như:
Sốt cao trên 38 độ C, đôi khi lên tới 40 độ C.
Trẻ thở khó khăn, tình trạng ngạt mũi nặng dần, thở khụt khịt, nói giọng mũi,... Trẻ sơ sinh bú ngắt quãng, thậm chí bỏ bú, hay quấy do khó thở được bằng mũi.
Sổ mũi, chảy nước mũi vào họng. Dịch mũi trong lúc đầu rồi ngày càng đục, dính.
Thở bằng miệng khiến miệng khô, ít tiết nước bọt, gây ho khan vào khoảng ngày thứ 2, thứ 3 khi sổ mũi.
Dịch mũi chảy vào trong gây viêm họng, hơi thở có mùi.
Trẻ ù tai, nghe kém, hay quấy khóc, biếng ăn.
Có thể bị trớ, tiêu chảy ở một vài trường hợp.
Hạch góc hàm sưng đau, niêm mạc mũi đỏ, khô, đọng dịch mũi.
Viêm VA cấp tính nhiều lần, kéo dài, khiến tổ chức VA bị xơ hóa và chuyển thành viêm VA mãn tính. Khác với giai đoạn cấp tính, viêm VA mãn tính chỉ có 2 triệu chứng như:
Chảy nước mũi kéo dài, dịch mũi trong hoặc nhầy, nếu bội nhiễm có thể chảy dịch mũi mủ.
Ngạt mũi về đêm, nếu nặng thì ngạt mũi cả ngày, thậm chí tịt mũi hoàn toàn không thở được, giọng mũi rõ.
Viêm VA mạn tính ít triệu chứng hơn, tuy nhiên các biểu hiện thường nặng và là căn nguyên gây ra các tình trạng khác cho trẻ:
Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, ngủ không yên giấc, ngáy ngủ, ngủ nghiến răng.
Ngủ hay giật mình, đái dầm.
Bệnh kéo dài gây thiếu oxy lên não, gây ảnh hưởng xấu tới trí tuệ, tinh thần trẻ.
Thở bằng miệng khiến xương mặt bị biến đổi, khiến trẻ bị miệng hô, vẩu hàm trên, hàm dưới hẹp, mũi tẹt, trán dô. Gây mất thẩm mĩ cho trẻ sau khi phát triển.
Viêm VA kéo dài có thể biến chứng thành các bệnh đường hô hấp mãn tính hoặc viêm lan tại các vị trí khác ở đầu và cổ như:
Viêm tai giữa: Do vòm họng nối với tai giữa qua ống Eustachian. Khi viêm nhiễm VA, chất nhầy tích tụ chặn lỗ mở của ống. Từ đó gây ù tai, viêm tai do vi khuẩn xâm nhập.
Viêm xoang: Các hốc xoang chứa đầy dịch mũi gây viêm nhiễm.
Viêm phổi, viêm phế quản: Viêm VA gây viêm họng. Nếu nguyên nhân gây ra do virus hoặc vi khuẩn, nhiễm trùng có thể lan tới phổi, tiểu phế quản,...
Viêm VA là do trẻ tiếp xúc nhiều với môi trường gây bệnh, từ đó tổ chức VA hoạt động quá sức, gây viêm. Chính vì vậy, để phòng ngừa viêm VA cho trẻ, bạn cần thực hiện các phương pháp sau:
Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ ngay từ khi sinh ra.
Hạn chế đưa trẻ em đến nơi đông người khi bé còn quá nhỏ.
Hạn chế thơm môi, thơm má, cắn yêu trẻ.
Không cho trẻ tiếp xúc gần với người đang ốm.
Đeo khẩu trang, khăn trùm đầu cho bé khi ra đường.
Cho con bú sữa mẹ để tăng sức đề kháng. Sau 6 tháng đầu, cho bé tập ăn dặm với chế độ dinh dưỡng đầy đủ vitamin và khoáng chất.
Cho trẻ đi khám ở cơ sở y tế khi trẻ có dấu hiệu sốt, ho, sổ mũi. Không tự ý sử dụng kháng sinh, thuốc cho trẻ.
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn một số thông tin quan trọng xoay quanh chủ đề “Viêm VA”. Viêm VA không phải bệnh lý nguy hiểm, khó chữa. Tuy nhiên nếu chủ quan không xử lý kịp thời có thể gây biến chứng thành bệnh mãn tính khác.