29/11/2022
Viêm mao mạch dị ứng là một bệnh lý tự miễn nguy hiểm và gây tổn thương lan tỏa trong hệ thống vi mạch, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như da, khớp, tiêu hóa, tim mạch, thận,... Bệnh thường khởi phát với biểu hiện ban đỏ trên da dễ nhầm lẫn với các bệnh phát ban khác. Vậy làm sao để nhận biết được bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời để tránh tiến triển biến chứng nguy hiểm? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp.
Viêm mao mạch dị ứng là một bệnh tự miễn chưa rõ nguyên nhân với biểu hiện viêm và chảy máu ở các mao mạch dưới da, khớp, ruột và thận. Bệnh lý này có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi nhưng đa số gặp ở trẻ em và những người trẻ tuổi với 50% người mắc bệnh là trẻ em dưới 5 tuổi, 75% là trẻ từ độ tuổi 3 - 10; 2% người trong độ tuổi từ 2 - 16 tuổi mắc bệnh này.
Viêm mao mạch dị ứng không gây nguy hiểm tới tính mạnh nhưng biểu hiện ban đỏ xuất hiện dày trên da gây mất tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, nếu viêm mao mạch dị ứng không được điều trị kịp thời có thể sẽ gây đau nhức khớp xương, không vận động được, thậm chí một số trường hợp nặng sẽ xuất hiện hiện tượng lở loét và lâu ngày chuyển dần sang hoại tử.
Biến chứng nguy hiểm đáng lo ngại nhất của viêm mao mạch dị ứng là tổn thương thận với các triệu chứng phù nề, đái máu.
Đến nay, nguyên nhân gây viêm mao mạch dị ứng chưa thể xác định rõ. Bệnh lý này thường khởi phát sau một đợt nhiễm trùng đường hô hấp vài tuần trước khi xuất hiện viêm mao mạch dị ứng. Sự xuất hiện của liên cầu và sự tăng tỷ lệ streptolysin O góp phần gây nên bệnh lý này. Một số vi khuẩn khác cũng nghi ngờ gây nên bệnh lý là tụ cầu khuẩn, trực khuẩn lao, varicella, adenovirus, nấm,...
Một số thuốc cũng có thể liên quan đến nguyên nhân gây viêm mao mạch dị ứng như:
Một số kháng sinh như penicillin, thuốc sulfa
Thuốc huyết áp
Thuốc chống động kinh Phenytoin.
Thuốc cho bệnh gout Allopurinol.
Sau tiêm phòng vacxin.
Trong giai đoạn tiến triển, 50% số bệnh nhân mắc bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng trên da.
Vị trí: quanh mắt cá chân trong và ngoài, đùi, mông, cánh tay, cẳng tay; ít gặp ở thân mình; đôi khi xuất hiện ở tai, ống tai, mũi, bộ phận sinh dục ngoài.
Đặc điểm: Ban xuất huyết dạng chấm, nốt, lồi lên trên da, có thể có mày đay, bọng nước hoặc bầm máu và ban hoại tử, không ngứa; tổn thương tăng lên ở tư thế đứng, có thể có phù (phù mềm, ấn lõm, khu trú ở da đầu, vùng quanh hố mắt, tai, mu bàn tay, mu bàn chân, gót, đôi khi ở bộ phận sinh dục), phù hay gặp ở trẻ nhỏ; tổn thương có tính chất đối xứng 2 bên (tức bên trái tổn thương ở vị trí nào bên phải cũng tổn thương ở vị trí tương tự).
75% trường hợp mắc bệnh gặp tổn thương này
Vị trí: Các khớp gần vị trí có ban xuất huyết như cổ chân, gối, khuỷu tay, hiếm khi ở cổ tay và bàn tay. Vai, ngón chân và cột sống có thể bị ảnh hưởng.
Đặc điểm: Viêm ở mức độ trung bình, đau khớp, hạn chế cử động; tổn thương thường mang tính chất đối xứng; quanh khớp có phù, có thể có đau gót chân. Tổn thương khớp được điều trị khỏi sau vài ngày nhưng có thể tái phát, không làm khớp bị biến dạng.
37 - 66% bệnh nhân có những biểu hiện trên tiêu hóa, đôi khi đây là dấu hiệu khởi đầu của bệnh. Các triệu chứng có thể gặp trên tiêu hóa bao gồm:
Đau vùng xung quanh rốn: đau liên tục, ít dữ dội, đau hơn khi ấn vào, có thể đau thượng vị lan tỏa hoặc khu trú, nôn và buồn nôn; cơn đau có thể kéo dài vài giờ hoặc vài ngày hoặc tái phát.
Xuất huyết tiêu hóa: nôn ra máu, phân đen hoặc phân có máu kèm đau bụng dữ dội.
Lồng ruột cấp: thường ở vị trí hồi tràng, đây là biến chứng nghiêm trọng nhất của tổn thương trên tiêu hóa, gặp ở 5% bệnh nhân mắc bệnh.
Có thể tắc ruột, nhồi máu, thủng đại tràng, giãn đại tràng.
Có thể viêm tụy cấp.
Tổn thương thận thường gặp ở 25 - 50% bệnh nhân trong giai đoạn cấp tính gồm các triệu chứng:
Đái máu vi thể hoặc đại thể, protein niệu, protein niệu kéo dài thường có kèm đái máu vi thể, có thể có bạch cầu niệu mà không có nhiễm trùng, thường gặp sau vài tuần với các biểu hiện hội chứng thận hư có tăng huyết áp hoặc suy thận, hội chứng viêm thận cấp có thể hoặc không suy thận và tăng huyết áp.
Một số trẻ em có hội chứng viêm cầu thận tiến triển nhanh.
Dấu hiệu tiến triển nặng của bệnh là suy thận mạn.
Sinh dục: Viêm tinh hoàn với triệu chứng đau, sưng, tự khỏi sau vài ngày.
Tim: Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim; nhồi máu cơ tim trên mạch vành liên quan đến viêm mạch nhỏ của cơ tim; rối loạn nhịp tim, suy tim sung huyết.
Phổi: xuất huyết trong phế nang là biến chứng hiếm xuất hiện nhưng rất nặng khi bị viêm mao mạch dị ứng; tràn dịch màng phổi và xuất huyết.
Thần kinh trung ương: đau đầu hoặc rối loạn hành vi, nặng hơn có thể chảy máu não, co giật hoặc hôn mê.
Mắt: xuất huyết đáy mắt do viêm mạch võng mạc.
Chẩn đoán xác định: dựa trên các triệu chứng đầy đủ và điển hình bao gồm ban xuất huyết trên da, đau khớp, biểu hiện trên tiêu hóa, thận.
4 tiêu chuẩn chẩn đoán viêm mao mạch dị ứng theo hội thấp khớp Hoa Kỳ (ARA)
Ban xuất huyết thành mạch
Tuổi bé hơn 20 khi bắt đầu mắc bệnh
Đau bụng lan tỏa, đau tăng sau khi ăn, thường xuyên đi ngoài ra máu.
Sinh thiết da có hình ảnh viêm mạch leukocytoclastic.
Xác định viêm mao mạch dị ứng khi bệnh nhân có từ 2 triệu chứng trở lên.
Chẩn đoán phân biệt
Ban xuất huyết: Phân biệt với xuất huyết do nhiễm trùng huyết do não mô cầu, xuất huyết giảm tiểu cầu nếu số lượng tiểu cầu giảm, lupus ban đỏ hệ thống nếu ban kết hợp đau khớp; viêm nút quanh động mạch.
Viêm khớp: phân biệt với bệnh Kawasaki với biểu hiện ban niêm mạc cùng hạch to nhiều nơi.
Biểu hiện bụng: phân biệt với các cấp cứu ngoại khoa
Thận: phân biệt với viêm thận do liên cầu trong trường hợp tăng tỷ lệ streptolysin O và có liên cầu trong cổ họng.
Không có phương pháp điều trị đặc hiệu, điều trị viêm mao mạch dị ứng chủ yếu là điều trị triệu chứng, bao gồm:
Nghỉ ngơi 1 - 2 tháng, ăn nhẹ, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, hạn chế chất xơ.
Thuốc giảm đau trong trường hợp đau khớp, đau cơ, sốt. Thuốc chống viêm không steroid để điều trị đau khớp khi không đáp ứng các thuốc giảm đau thông thường. Không sử dụng thuốc này trong trường hợp có biểu hiện trên tiêu hóa.
Corticoid đơn độc hoặc phối hợp các thuốc ức chế miễn dịch khác sử dụng liều cao ngắn ngày.
Các thuốc ức chế miễn dịch dùng khi có tổn thương thận nặng.
Kháng sinh được chỉ định nếu nguyên nhân gây viêm là liên cầu. Kháng sinh được lựa chọn là penicillin.
Ghép thận khi biến chứng suy thận giai đoạn cuối. Tuy nhiên, một số bệnh nhân đã ghép thận có tái phát lại viêm thận do viêm mao mạch dị ứng.
Các biện pháp khác có thể được sử dụng: lọc huyết tương, thuốc kháng histamin, thuốc chống co thắt trong trường hợp có tổn thương tiêu hóa.
Bệnh viêm mao mạch dị ứng là bệnh lý nghiêm trọng cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh những biến chứng nghiêm trọng. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu rõ bệnh lý này và kịp thời thăm khám khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Liên hệ hotline 18006574 hoặc truy cập website duocsanfo.vn đề biết thêm nhiều thông tin bệnh lý và sức khỏe bổ ích!