Viêm da tiết bã: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị, phòng ngừa

  07/11/2022

  Lê Hoàn

Viêm da tiết bã là một tình trạng bệnh lý phổ biến thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Viêm da tiết bã không nguy hiểm nhưng gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ của người mắc. Tình trạng bệnh lý này thường mang tính chất lặp đi lặp lại trong cùng một thời điểm trong năm gây ra tình trạng mãn tính và khó điều trị dứt điểm. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu và có kiến thức về viêm da tiết bã để nhận biết cũng như điều trị bệnh an toàn, hiệu quả và tránh tái phát.

1/ Viêm da tiết bã là gì?

Viêm da tiết bã

Viêm da tiết bã là một bệnh lý viêm da liễu mạn tính, thường xuất hiện tại những vùng da có nhiều tuyến bã nhờn như da đầu, mặt, ngực, lưng, nách, bẹn. Bệnh viêm da tiết bã xảy ra ở nhiều độ tuổi và thường không có hại nhưng khiến người bệnh khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Viêm da tiết bã chuyển biến nghiêm trọng có thể gây suy giảm miễn dịch tại vùng da bị viêm làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da.

2/ Căn nguyên của bệnh

Nguyên nhân gây viêm da tiết bã thường do sự kết hợp của tính di truyền và ảnh hưởng của môi trường.

Một trong những nguyên nhân gây viêm là do phản ứng viêm do nấm men Malassezia phát triển trong tuyến bã nhờn trên da kết hợp với vi khuẩn dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.

Một số bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc viêm da tiết bã như bệnh vảy nến, HIV, mụn trứng cá, bệnh rosacea, bệnh Parkinson, động kinh, nghiện rượu, trầm cảm, rối loạn ăn uống, phục hồi sau đột quỵ hay đau tim.

Ngoài ra, còn một số tác nhân phổ biến khác gây viêm da tiết bã bao gồm:

  • Stress, căng thẳng, mệt mỏi.

  • Thay đổi nội tiết tố.

  • Do tác động của hóa chất, dung môi, xà phòng, chất tẩy rửa,...

  • Do sự thay đổi của thời tiết hoặc thời tiết lạnh, khô.

  • Do một số loại thuốc như psoralen, interferon, lithium. 

2/ Triệu chứng của bệnh

2.1/ Triệu chứng chung

Các triệu chứng chung có thể gặp phải khi mắc viêm da tiết bã bao gồm:

  • Da bong tróc.

  • Gàu.

  • Vảy trắng hoặc vàng bong tróc loang lổ trên da nhờn.

  • Phát ban có màu sẫm ở da nâu và da đen, sáng hơn ở da vàng gây cảm giác khó chịu.

  • Những người bị viêm da tiết bã dạng cánh hoa có phát ban hình vòng.

  • Ngứa.

  • Có thể đóng vảy và hình thành các tổn thương chứa bã nhờn.

  • Ban đỏ hoặc mẩn đỏ do viêm.

  • Nếu viêm da ở các nếp gấp ở chân tóc, vùng bị viêm có thể ngứa và bị rụng tóc.

2.2/ Triệu chứng riêng của viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Viêm da tiết bã ở trẻ

Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện ở dạng gọi là nắp nôi với biểu hiện xuất hiện các mảng vảy và nhờn trên da. Ngoài ra, ở trẻ sở sinh có thể bị viêm da tiết bã ở mông thường dễ nhầm lẫn với một dạng viêm da tiếp xúc gọi là hăm tã.

2.3/ Triệu chứng viêm da tiết bã ở người lớn

Người lớn bị viêm da tiết bã ở mặt thường có các triệu chứng phổ biến gồm mảng da bị viêm và ngứa. Các triệu chứng này xuất hiện ở các vùng da trên mặt như vùng mí mắt, hai bên mũi, trong và xung quanh lông mày, gần tai. Viêm da tiết bã có thể phát triển ở các vùng da khác trên cơ thể như giữa ngực, lưng trên, nách, dưới vú, vùng bẹn gây mẩn đỏ, sưng tấy, đóng vảy tiết nhờn.

3/ Viêm da tiết bã có nguy hiểm không

Viêm da tiết bã nhờn không gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Tình trạng viêm da tiết bã có thể làm giảm chất lượng cuộc sống người mắc, khiến họ thấy tự ti và ảnh hưởng đến sinh hoạt. Viêm da tiết bã nếu không được chữa trị kịp thời, đúng cách sẽ tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn, nhiễm trùng xâm nhập gây nhiễm trùng da.

4/ Viêm da tiết bã có lây không? Có chữa khỏi hoàn toàn được không?

Viêm da tiết bã không lây truyền từ người này sang người khác như dễ lan rộng từ vùng da bị viêm sang các vùng da lân cận trên cơ thể. Viêm da tiết bã có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu áp dụng các phương pháp điều trị bệnh kịp thời và tuân thủ đúng quá trình điều trị.

5/ Phương pháp điều trị bệnh

bôi kem trị bệnh

Biểu hiện của bệnh viêm da tiết bã dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh lý về da khác nên cần được thăm khám khi xuất hiện các biểu hiện ngứa, sần, mẩn đỏ, có mảng trắng trên da,... để chẩn đoán đúng loại bệnh và điều trị đúng cách.

Phương pháp điều trị viêm da tiết bã phụ thuộc vào mức độ và vị trí viêm. Đối với viêm da tiết bã ở đầu, phương pháp điều trị bằng dầu gội đặc trị viêm da thường áp dụng cho cả trẻ sơ sinh và người lớn, trường hợp nặng có thể được kết hợp thêm kem bôi.

5.1/ Nguyên tắc điều trị chung

  • Các thuốc làm bong vảy tại chỗ để loại bỏ các mảng vảy trên da: acid salicylic, acid lactic, urea, propylene glycol.
  • Thuốc kháng nấm tại chỗ: Ketoconazol, ciclopirox được sử dụng dưới dạng dầu gội đầu hoặc kem bôi. Đối với viêm da tiết bã do vài chủng nấm Malassezia kháng thuốc chống nấm azol, thay thế bằng kẽm pyrithion hoặc selenium sulphit.
  • Các thuốc ức chế calcineurin dùng tạo chỗ: kem pimecrolimus, mỡ tacrolimus được sử dụng thay vì corticosteroid khi viêm da vùng mặt để giảm tác dụng phụ.
  • Trường hợp nặng, sử dụng kháng sinh điều trị ở người lớn, itraconazole, tetracyclin, kháng sinh và liệu pháp ánh sáng.

5.2/ Điều trị viêm da tiết bã ở đầu

  • Dùng dầu gội có chứa ketoconazole hoặc Ciclopirox, selenium sunfit, kẽm pyrithion, coal tar, acid salicylic 2 lần trên tuần trong ít nhất 2 tháng.
  • Nhóm steroid dạng dung dịch hoặc gel cho da đầu dùng hàng ngày giảm ngứa, viêm.
  • Kem tar bôi vùng da có nhiều vảy và gội đầu lại bằng nước sạch sau vài giờ.

5.3/ Điều trị viêm da tiết bã ở mặt, tay, ngực, lưng

  • Dùng dung dịch rửa không chứa xà phòng làm sạch da 1 - 2 lần mỗi ngày.
  • Kem bôi da ketoconazole hoặc ciclopirox ngày 1 lần trong 2 - 4 tuần.
  • Kem bôi hydrocortisone hoặc corticoid mạnh hơn bôi 2 lần mỗi ngày trong 1 - 2 tuần.
  • Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ kem pimecrolimus, mỡ tacrolimus thay thế cho corticoid khi viêm da ở mặt để tránh tác dụng phụ của corticoid.

6/ Cách phòng ngừa bệnh

làm sao để phòng ngừa viêm da tiết bã

6.1/ Phòng tránh viêm da tiết bã lan rộng và nghiêm trọng hơn

  • Hạn chế gãi ngứa để tránh rách da gây nhiễm trùng nguy hiểm.
  • Không sử dụng dầu gội hoặc xà phòng chứa chất tẩy rửa lên vùng da bị viêm, sử dụng các loại sản phẩm đặc trị cho viêm da tiết bã.
  • Vệ sinh vùng da bị viêm sạch sẽ, hạn chế ra mồ hôi, tiếp xúc bụi bẩn, nước bẩn.
  • Uống đủ ít nhất 2 lít nước mỗi ngày giúp loại bỏ độc tố, thanh lọc cơ thể, tránh khô da.
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, bổ sung vitamin.
  • Hạn chế ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, thức ăn chế biến sẵn, rượu bia, thuốc lá, cà phê, trà đặc.

6.2/ Phòng tránh mắc viêm da tiết bã

  • Vệ sinh da sạch sẽ hằng ngày, dùng kem dưỡng ẩm và nuôi dưỡng da khỏe mạnh.
  • Sử dụng kem bôi, mỹ phẩm rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, dùng đúng cách để bảo vệ da.
  • Tránh chà xát da quá mạnh gây ra các tổn thương dễ bị viêm.
  • Thường xuyên vệ sinh nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ để giảm thiểu tiếp xúc bụi bẩn, ô nhiễm.
  • Uống đủ ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, bổ sung vitamin, thực phẩm tốt cho da.
  • Hạn chế sử dụng chất kích thích, đồ ngọt, đồ ăn cay nóng,...
  • Tăng cường thể dục thể thao, nâng cao đề kháng tự nhiên cho cơ thể.

Hy vọng sau khi tìm hiểu những kiến thức cơ bản về viêm da tiết bã được chia sẻ trong bài viết, bạn sẽ hiểu hơn về tình trạng bệnh lý này và chủ động hơn trong phòng tránh cũng như xử lý bệnh trạng.

Liên hệ hotline 18006574 hoặc truy cập website duocsanfo.vn để tìm hiểu thêm về các tình trạng bệnh lý thường gặp.

024 234 88666