Quế nhục có công dụng gì? Các bài thuốc hay từ Quế nhục

  24/10/2022

  Lê Hoàn

Quế là một loại cây được biết đến khá nhiều trong cuộc sống với nhiều công dụng khác nhau như chữa bệnh, dầu thơm phòng, gia vị,... Từ xưa, quế đã được xem là một vị thuốc quý và được ứng dụng rộng rãi trong nền y học cổ truyền Việt Nam và nhiều nước phương Đông.

cây quế nhục

Xem thêm:

Công dụng của phục linh đối với sức khỏe

Công dụng của cúc la mã đối với sức khỏe

Công dụng của cây hương nhu đối với sức khỏe

1/ Quế nhục là gì?

Quế nhục là phần vỏ thân của cây quế. Cây quế có tên gọi khác là quế đơn, quế bì, quế trung quốc, nhục quế, mạy quẻ (Tày), Kía (Dao), có tên khoa học là cinnamomum cassia, thuộc họ Lauraceae (họ Long não).

1.1/ Đặc điểm sinh thái

Quế là cây gỗ to, quế trưởng thành cao từ 10 - 20m, thân và cành hình trụ, nhẵn, vỏ thân, vỏ cành có màu nâu. Lá dày, cứng và dai, hình mác, rộng khoảng 4 - 8cm, dài khoảng 12 - 25cm, gốc lá tròn, đầu nhọn, mặt trên nhẵn màu lục thẫm bóng, mặt dưới màu xám tro, gân lá có 3 gân gồm 1 gân chính ở giữa chạy từ cuống lá đến đầu lá và 2 gân bên hình cung cách gốc lá khoảng 0,5 - 1cm, chạy dọc tới ngọn, lồi rõ ở mặt dưới, có nhiều gân phụ song song, lá mọc so le. Cuống lá to, dài khoảng 1,5 - 2cm, có rãnh ở mặt trên.

Cụm hoa hình xim 2 ngả mọc thành chùm ở kẽ lá gần đầu cành; bao hoa màu trắng, gồm 6 phiến gần bằng nhau, dài 3mm, mặt ngoài có lông nhỏ mịn, rụng sớm.

Quả hạch, hình trứng hoặc bầu dục, cạnh dài 1,2 - 1,3cm, nằm trong đài nguyên hoặc chia thùy. Vỏ và lá cây có mùi thơm.

1.2/ Phân bố

Thế giới: châu Âu, châu Mỹ, châu Á có ở các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản

Việt Nam: Tại các tỉnh phía bắc và các tỉnh Nam Trung Bộ như Yên Bái, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh

1.3/ Bộ phận dùng

Vỏ thân hoặc vỏ cành đã qua chế biến và phơi khô

1.4/ Thành phần hóa học

Vỏ quế có hàm lượng tinh dầu khá cao (1,0 - 4,0%), là và cành non thường thấp (0,3 - 0,8%). Thành phần chính của tinh dầu trong quế là (E)-cinnamaldehyd và khoảng 100 hợp chất khác. Hàm lượng (E)-cinnamaldehyd quyết định chất lượng tinh dầu. Ngoài ra, trong vỏ quế còn chứa tanin, chất nhựa, đường, calci oxalat, coumarin, chất nhầy,...

1.5/ Dược liệu quế nhục

dược liệu làm từ quế nhục

Quế nhục là phần vỏ thân hoặc vỏ cành to dày của cây quế, được phơi khô và cuộn tròn thành các ống dài 5 - 50cm, đường kính 1,5 - 10 cm, dày khoảng 1 - 8mm. Mặt ngoài có màu nâu xám, có các lỗ vỏ và vết cuống lá, mặt trong màu nâu đỏ hoặc nâu sẫm, thường nhẵn hoặc hơi gồ ghề. Quế nhục được phơi khô nên có thể chất cứng, giòn, dễ bẻ gãy, mặt bẻ có xơ. Mùi thơm, vị cay ngọt, hơi tê nhẹ.

2/ Công dụng của quế nhục đối với sức khỏe

Thành phần tinh dầu (E)-cinnamaldehyd là thành phần tạo nên tác dụng của quế đối với sức khỏe. Quế có vị ngọt, cay, tính ấm, có tác dụng bổ hỏa, hồi dương, làm ấm, thông huyết, trừ hàn.

Quế nhục được phối hợp với các vị thuốc khác với nhiều công dụng khác nhau như:

  • Phối hợp nhục quế với phụ tử, sinh địa hoàng và sơn thù du để trị suy thận dương gồm các biểu hiện lạnh chi, đau và yếu vùng ngang lưng và đầu gối, bất lực và hay đi tiểu.

  • Phối hợp nhục quế với can khương, bạch truật và phụ tử trị dương hư ở tỳ và thận gồm các biểu hiện như đau lạnh ở vùng thượng vị và vùng bụng, ăn kém, phân lỏng.

  • Phối hợp quế nhục với can khương, ngô thù du, đương quy và xuyên khung trị bế hàn ở kinh lạc gồm các biểu hiện đau lạnh ở vùng thượng vị và vùng bụng, đau lưng dưới, đau toàn thân, loạn kinh nguyệt, ít kinh nguyệt.

  • Phối hợp nhục quế với hoàng kỳ, đương quy trị nhọt mãn tính.

3/ Một số bài thuốc từ quế nhục

3.1/ Bài thuốc trị đau bụng, tiêu chảy kéo dài do thận dương hư, tỳ vị hư hoặc tỳ thận dương hư

Bài thuốc tam khí đơn:

Quế nhục, Lưu hoàng, Can khương mỗi loại 3g, Hắc phụ tử 10g, Chu sa 2g chế thành viên. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 3g, uống với nước ấm để trị nôn ỉa nhiều, nghịch quyết hư thoát.

Bài thuốc quế linh hoàn:

Quế nhục, Mộc hương, Đinh hương mỗi loại 3g, Can khương 5g, Nhục đậu khấu, Chế phục tử, Phục linh mỗi loại 9g chế thành hoàn. Mỗi lần uống 8g, ngày uống 2 - 3 lần với nước ấm trị đau bụng, tiêu chảy do tỳ thận dương hư.

3.2/ Bài thuốc trị viêm thận mạn, phù thũng do dương khí hư, chân tay lạnh, tiểu ít, chân phù

Bài thuốc tế sinh thận khí hoàn (Tế sinh phương):

Can địa hoàng, Xa tiền tử mỗi loại 15g, Sơn dược, Đơn bì, Trạch tả, Ngưu tất mỗi loại 12g, Sơn thù 6g, Quế nhục 4g, Phụ tử 10g luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 15g, ngày uống 2 - 3 lần.

3.3/ Bài thuốc trị đau bụng, đau bụng kinh do hư hàn

bài thuốc từ quế nhục

Trị đau bụng: Quế nhục tán bột mịn uống 3 - 4g mỗi lần với nước ấm hoặc rượu

Bài thuốc lý âm tiễn:

Quế nhục, Can khương mỗi loại 5g, Cam thảo 4g, Thục địa 16g, Đương quy 12g sắc uống trị đau bụng kinh.

3.4/ Trịnh nhiễm độc phụ tử

Ngâm 5 - 10g Quế nhục trong nước rồi uống, sau mỗi 5 - 15 phút bệnh nhân sẽ nôn và sau khoảng 15 - 30 phút sẽ  hết các triệu chứng.

3.5/ Bài thuốc trị tay chân lạnh, mạch yếu, tỳ vị hư hàn, bụng lạnh

Quế nhục, Mộc hương, Đinh hương mỗi loại 4g, Can khương 6g, Phục linh 8g, Nhục đậu khấu, Phụ tử mỗi loại 12g tán thành bột mịn uống với nước ấm, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần uống 12g.

3.6/ Bài thuốc chữa ẩm lạnh, hành thủy, mụn nhọt sưng lâu, mụn độc hãm vào trong

Quế nhục 3g, Trần bì, Cam thảo mỗi vị 4g, Thược dược, Liên kiều mỗi vị 8g, Triết bối 9g, Kim ngân hóa, tạo giác thích mỗi vị 12g, Sinh hoàng kỳ 16g, Sinh khương 3 lát sắc lấy nước uống trong ngày.

Quế nhục có nhiều công dụng đối với sức khỏe tuy nhiên cũng có chứa độc tố nhẹ, vì vậy khi sử dụng Quế nhục cần tham khảo thầy thuốc hoặc người có chuyên môn để sử dụng đúng cách.

Để biết thêm thông tin, liên hệ hotline 18006574 hoặc truy cập website duocsanfo.vn!

024 234 88666