22/09/2022
Con người sống trong môi trường chứa nhiều loại vi khuẩn bao gồm lợi khuẩn và hại khuẩn. Hệ tiêu hóa là một hệ sinh thái phức tạp gồm vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Khi hệ vi sinh này ở trạng thái cân bằng, tiêu hóa của con người sẽ khỏe mạnh. Khi thiếu hụt lợi khuẩn, hại khuẩn phát triển sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về tiêu hóa cũng như sức khỏe mỗi người. Vì vậy, bài viết giới đây giúp bạn giải thích tất tần tật về lợi khuẩn.
Lợi khuẩn hay Probiotics là vi khuẩn sống hoặc nấm men sống tự nhiên trong cơ thể người. Trong thực tế, mọi người thường nghĩ vi khuẩn là có hại đối với sức khỏe, tuy nhiên, trong cơ thể chúng ta là một hệ vi sinh vật bao gồm nhiều loại vi sinh vật sống có lợi và có hại đối với sức khỏe. Trong đó, lợi khuẩn là nhóm các vi sinh vật có lợi ích tốt cho sức khỏe con người, tập trung nhiều ở đường tiêu hóa.
Có 2 loại lợi khuẩn phổ biến thường gặp là:
Lợi khuẩn nhóm Lactobacillus: Lactobacillus là một loại trực khuẩn có lợi sản xuất acid lactic, lactase, enzyme phân hủy lactose - một loại đường có trong sữa. Trong cơ thể người, Lactobacillus được tìm thấy nhiều trong đường tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục. Ngoài ra, chúng còn được tìm thấy trong một số loại thực phẩm lên men nhứ rau củ muối chua, sữa chua, nấm sữa, ô - liu và các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ vi sinh vật. Các loại lactobacillus được biết đến gồm Lactobacillus bulgaricus, Lactobacillus plantarum, Lactobacillus GG, Lactobacillus rhamnosus, Lactobacillus Reuteri, Lactobacillus casei, Lactobacillus acidophilus…
Lợi khuẩn nhóm Bifidobacteria: Bifidobacteria là một loại vi khuẩn gram dương có lợi cho sức khỏe, chiếm đến 99.9% trên tổng số lợi khuẩn được tìm thấy trong ruột già. Bifidobacteria có khả năng tạo ra acid lactic, các acid béo chuỗi ngắn. Các loại Bifidobacteria thường được biết đến bao gồm Bifidobacterium breve, Bifidobacterium bifidum, Bifidobacterium longum, Bifidobacterium infantis,…
Trong môi trường tự nhiên, Lactobacillus có khả năng phân hủy đường, các protein trong các hợp chất thành acid lactic nhờ quá trình lên men. Vậy nên, Lactobacillus tạo ra môi trường có tính acid cao nên có khả năng làm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn và vi trùng có hại. Bên cạnh đó, Lactobacillus còn có khả năng sản xuất ra một số thành phần có lợi khác là amino acid, peptide và các protein chuỗi ngắn có vai trò như một chất kháng sinh có khả năng kháng khuẩn. Do đó, Lactobacillus rất có ích và phổ biến trong hỗ trợ điều trị các vấn đề rối loạn tiêu hóa nhờ khả năng tiêu diệt, hạn chế sự phát triển của hại khuẩn, bổ sung lợi khuẩn, thiết lập lại cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa từ đó tăng cường miễn dịch.
Lactobacillus còn có hiệu quả trong làm đẹp nhờ khả năng kháng khuẩn và quá trình lên men. Quá trình lên men chúng giúp tạo ra các dưỡng chất tốt cho da có tác dụng tái tạo tế bào, nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh, tăng cường cấp nước. Các dưỡng chất này cũng được phân chia nhỏ hơn giúp dễ dàng hấp thu, thấm sâu vào trong làn da.
Lactobacillus cũng đã được chứng minh có tác dụng trong viêm da, dị ứng, mẩn đỏ, thúc đẩy quá trình liền sẹo hỗ trợ cải thiện vết thương. Khả năng kháng khuẩn của Lactobacillus được ứng dụng trong giảm mụn, trị mụn và điều trị sau mụn.
Bifidobacteria có vai trò bổ sung lợi khuẩn, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột và nhiều chức năng khác giúp tăng cường tiêu hóa. Bifidobacteria bám vào thành ruột tiết ra lớp chất nhầy bao phủ niêm mạc ruột gây ức chế hại khuẩn, ngăn cản hại khuẩn bám lên niêm mạc ruột. Chúng giúp tăng khả năng tiêu hóa thức ăn và hấp thu dưỡng chất. Bifidobacteria tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa, từ đó tăng cường miễn dịch.
Ngoài ra, các protein và enzyme do chúng tiết ra cũng có khả năng tiêu diệt vi khuẩn có hại, tăng khả năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng. Chúng kích thích sản xuất Mucin trong lớp màng nhầy của niêm mạc giúp chồng lại ma sát và ăn mòn, tạo ra môi trường bất lợi cho hại khuẩn. Kích thích sản xuất immunoglobulin A (IgA) giúp tăng khả năng chống lại các tác nhân ngoại xâm.
Bifidobacteria sản xuất acid lactic giúp làm tăng tính acid của đường ruột giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại.
Lợi khuẩn thường được sử dụng để bổ sung khi cơ thể thiếu hụt lợi khuẩn hoặc gặp các vấn đề về tiêu hóa. Đa số các lợi khuẩn có tác dụng tốt đối với hầu hết tất cả mọi người nhưng chúng bị tác động bởi các điều kiện môi trường như acid dạ dày, nhiệt độ, thức ăn. Vì vậy, để đạt được hiệu quả tốt nhất, cần lưu ý một số điểm sau:
Chọn loại lợi khuẩn: Nên lựa chọn các sản phẩm có chứa lợi khuẩn thuộc nhóm Lactobacillus, Bifidobacteria. Các sản phẩm chứa lợi khuẩn có nhiều dạng bào chế khác nhau như viên nang, viên nén, bột pha uống, bao vi nang, dung dịch uống, siro,... Nên lựa chọn dạng bào chế phù hợp với thể trạng của người sử dụng và tỷ lệ lợi khuẩn đến ruột non cao nhất.
Thời điểm dùng lợi khuẩn: Không nên dùng lợi khuẩn vào lúc đói vì acid dạ dày lúc này thường cao gây ảnh hưởng đến sự tồn tại của chúng. Nên uống vào buổi sáng sau ăn sáng vì lúc này acid dạ dày thấp, lợi khuẩn sẽ dễ dàng đi qua hơn.
Bổ sung lợi khuẩn bằng các sản phẩm chứa lợi khuẩn như men vi sinh, sữa chua, các loại rau củ quả muối chua,... Nếu đang sử dụng kháng sinh, nên bổ sung lợi khuẩn trước hoặc sau khi dùng kháng sinh ít nhất 2 tiếng.
Một số sản phẩm chứa lợi khuẩn là thuốc nên sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ. Thông báo ngay các tác dụng phụ gặp phải trong quá trình sử dụng lợi khuẩn đến các nhân viên y tế. Tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia nếu từng có tiền sử dị ứng với thành phần sản phẩm.
Hy vọng bạn đọc đã hiểu thêm nhiều thông tin về lợi khuẩn cũng như lợi ích của lợi khuẩn thông qua bài viết. Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!
Liên hệ hotline 18006574 hoặc truy cập website duocsanfo.vn đề biết thêm nhiều thông tin bổ ích.