11/10/2022
Khổ qua là một loại quả có vị đắng, được sử dụng phổ biến trong bữa ăn hằng ngày của nhiều gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ những lợi ích tuyệt vời của khổ qua. Đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về khổ qua nhé!
Xem thêm:
Khổ qua hay mướp đắng, lương qua, có tên khoa học là Momordica charantia, thuộc họ Cucurbitaceae (họ Bầu bí). Đây là một loại cây thảo dạng dây leo, phân nhánh mọc ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Khổ qua có vị đắng, quả ăn được. Quả khổ qua thường được sử dụng như một loại thực phẩm, có thể chế biến nhiều loại món ăn. Hiện nay, cây khổ qua được trồng rộng rãi ở Ấn Độ, Pakistan, Đông Nam Á, Trung Quốc, Nam Phi,...
Đặc điểm của cây khổ qua là dạng dây leo, phân nhánh, có tua cuốn, thân có góc cạnh, chiều dài có thể lên đến 10m. Lá đơn, mỏng, phiến lá gồm 5-7 thùy hình trứng, mép có răng cưa, có lông ngắn trên gân lá, có chiều dài từ 5-10cm, rộng 4-8 cm, lá mọc so le. Hoa có màu vàng, có cuống dài, đường kính khoảng 2cm, mọc đơn độc ở kẽ lá. Quả khổ qua có hình thoi dài khoảng 8-15cm, trên bề mặt quả có những khối u mọc lên, có màu xanh vàng lúc chưa chín cho đến màu vàng hồng lúc chín. Hạt dẹp, quanh dẹt có màng màu đỏ như hạt gấc.
Quả khổ qua có chứa các thành phần hóa học chính bao gồm polysaccharid, saponin, flavonoid và các hợp chất phenol; ngoài ra, quả khổ qua còn có một số thành phần hóa học khác ít hơn như acid amin, chất béo và khoáng chất. Hạt có chứa dầu béo, momordicoside A,B. Lá cấy chứa Momordicin I,II, III; cucurbitane, triterpenoid, alkaloid.
Lá, rễ, quả, hạt của cây khổ qua đều được sử dụng nhiều trong cuộc sống hằng ngày và trong y học.
Quả gần chín có màu vàng lục, dùng lúc còn tươi.
Hạt quả chín, phơi khô.
Lá và rễ, dùng tươi.
Khổ qua thường được sử dụng phổ biến với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Khổ qua tuy có vị đắng nhất trong các loại củ quả nhưng là loại thực phẩm hữu ích. Trong bữa ăn hằng ngày, khổ qua có thể được chế biến dưới nhiều hình thức như xào, nấu canh hay phối hợp với các loại thực phẩm khác để làm dịu đi vị đắng vốn có của nó. Và với việc chứa nhiều thành phần hóa học hữu ích, khổ qua có rất nhiều lợi ích sức khỏe.
Mướp đắng có tác dụng giảm lượng đường trong máu, kiểm soát đường huyết ổn định nhờ:
Chứa hoạt chất charani và vicine có vai trò hạ đường huyết, polypeptide-p hoạt động tương tự insulin, có tác dụng tăng cường hấp thu glucose trong máu vào tế bào, tăng dự trữ glucose, giảm chuyển hóa glycogen thành glucose, giảm lượng glucose trong máu.
Khổ qua giúp thúc đẩy quá trình sử dụng glucose của tế bào.
Các hoạt chất trong khổ qua giúp ngăn chặn sự chuyển đổi các chất dinh dưỡng từ thức ăn thành glucose từ đó giúp làm giảm lượng đường trong máu.
Lectin trong mướp đắng giúp hạn chế cảm giác đói, từ đó giảm tần suất ăn, giảm tần suất bổ sung glucose hằng ngày, giúp kiểm soát cân nặng.
Mướp đắng chỉ hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu, chưa được coi là có tác dụng điều trị bệnh tiểu đường. Do đó, mướp đắng chỉ nên được sử dụng bổ sung vào thực đơn hàng ngày của người bị bệnh tiểu đường.Tuy nhiên, người bị tiểu đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng mướp đắng để bổ sung hàng ngày.
Khổ qua có khả năng phá vỡ sỏi thận thành từng mảnh nhỏ theo 1 cách tự nhiên để đào thải sỏi ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu, hạn chế các cơn đau do sỏi thận.
Khổ qua giúp làm giảm khả năng tích tụ cholesterol trong động mạch, hạn chế vấn đề xơ vữa động mạch và các biến chứng tim mạch khác và đột quỵ. Như vậy, khổ qua giúp giảm nguy cơ biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên các nghiên cứu về việc hỗ trợ giảm cholesterol chỉ mới được thực hiện ở trên chuột và cho thấy dịch chiết khổ qua giúp giảm đáng kể lượng cholesterol toàn phần. Vì vậy, bổ sung khổ qua hằng ngày có thể giúp ngăn ngừa những nguy cơ này.
Theo một số nghiên cứu chó thấy, trong khổ qua có chứa một số hợp chất hóa học có khả năng tiêu diệt ung thư và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được, khổ qua giúp gián đoạn quá trình sản xuất glucose và ngăn cản sự phát triển của các tế bào ung thư tuyến tụy.
Dùng thường xuyên đồ uống hoặc thực phẩm từ khổ qua sẽ giúp làn da sáng hơn, hỗ trợ trị mụn trứng cá, vẩy nến, chàm. Sử dụng khổ qua bổ sung mỗi ngày giúp bạn có một làn da đẹp, tươi sáng.
Khổ qua đã được sử dụng trong các bài thuốc bổ gan với công dụng cải thiện các tình trạng xơ gan, viêm gan, táo bón. Bên cạnh giúp tăng cường sức khỏe cho gan, khổ qua còn có thể làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.
Khổ qua giúp ngăn ngừa béo phì nhờ sự giàu Lectin, chất xơ, ít calo giúp người bệnh no lâu hơn, hạn chế cảm giác đói và thèm ăn, từ đó giúp kiểm soát cân nặng, ngăn ngừa nguy cơ béo phì.
Mướp đắng hỗ trợ chuyển hóa đường từ quá trình chuyển hóa carbohydrate, từ đó giúp quá trình này diễn ra nhanh hơn giúp giảm lượng đường trong máu, giảm tích lũy chất béo. Ngoài ra, tăng cường tiêu hóa carbohydrate còn hỗ trợ phát triển cơ bắp.
Vitamin K góp phần vào sự phát triển sức khỏe xương, quá trình đông máu, là một chất có tác dụng chống viêm. Vì vậy việc bổ sung vitamin K cho cơ thể là rất quan trọng. Khổ qua là một loại quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất, trong đó có vitamin K nên khổ qua cũng là một nguồn tự nhiên giúp bổ sung vitamin K cho cơ thể.
Miễn dịch khỏe mạnh giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh giúp cơ thể luôn khỏe mạnh. Khổ qua rất hữu ích trong việc phòng ngừa cảm lạnh, các bệnh nhiễm trùng đường ruột cũng như hạn chế dị ứng thực phẩm, nhiễm trùng nấm men. Ngoài ra, khổ qua còn giúp giảm nguy cơ mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản, khó tiêu.
Như vậy, khổ qua có rất nhiều lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe con người. Bạn hãy bổ sung khổ qua vào thực đơn bữa ăn mỗi ngày để có được những lợi ích sức khỏe từ chúng nhé!
Gọi đến Hotline 18006574 hoặc theo dõi website của Dược Sanfo (duocsanfo.vn) để biết thêm nhiều thông tin hữu ích nhé!